Hiện nay, dù đã nhận danh hiệu di sản thế giới từ UNESCO, HTTL vẫn đang là khu vực bảo tồn tạm thời, thiếu hầu hết các công năng phục vụ du lịch. Vì thế, cùng với việc chuyển giao thêm cho di sản này phần diện tích mở rộng (phía bên kia đường Hoàng Diệu), đề án quy hoạch HTTL thành công viên lịch sử - văn hóa được đặt ra từ năm 2012 đã hình thành cơ bản. Nhiều ý tưởng hấp dẫn Sau khi bảo vệ đề án trước Hội đồng thẩm định, Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) đã có buổi lấy ý kiến các cơ quan chức năng vào cuối tuần qua để tiếp tục chỉnh sửa. Về cơ bản, HTTL gồm hai khu vực, cách nhau bởi đường Hoàng Diệu: khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu (phần diện tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới) và khu vực thành cổ Hà Nội phía đối diện. Khu vực 18 Hoàng Diệu gồm khá nhiều hố khai quật cho thấy vết tích móng các kiến trúc cung điện cũ, khu thành cổ do Bộ Quốc phòng quản lý từ 1954 và chỉ mới được chuyển giao lại cho Hà Nội cách đây vài năm. Nội dung xuyên suốt của đề án quy hoạch HTTL là trùng tu những di tích quan trọng nhất, gỡ bỏ những di tích thiếu giá trị để trả lại không gian văn hóa - lịch sử đặc thù. Theo đó, Cột cờ Hà Nội hiện nay sẽ không còn bị “trói” trong các bức tường và công trình xung quanh, mà trở thành không gian mở, với cây xanh và tầm nhìn rộng, để làm nơi bắt đầu của tuyến tham quan tương lai. Tiếp sau Cột cờ là quảng trường lớn trước cổng Đoan Môn - nơi sẽ phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu (lễ hội trang trọng và đặc biệt nhất vào thời Lý) trong tương lai. Sau Đoan Môn là nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, cửa Bắc. Sau đó, du khách sẽ được chở vòng lại bằng hệ thống xe điện để sang khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, nơi xây dựng nhà bảo tồn và khung kính che các hố khảo cổ. Đáng nói, những thay đổi của lịch sử khiến khu vực bên phía thành cổ có đến 119 kiến trúc khác nhau, xây dựng rải rác từ thời Nguyễn, thời Pháp thuộc và từ 1954 tới nay. Đặc biệt, một số kiến trúc tuy xây dựng sau nhưng lại có giá trị lịch sử vô cùng quan trọng nên vẫn được bảo tồn, như trường hợp tòa nhà D 67 - nơi đặt tổng hành dinh quân đội trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Tương tự, vì đã... Ghi tên trong hồ sơ xin danh hiệu di sản từ UNESCO, trụ sở Cục Tác chiến vẫn được để nguyên, chỉ... Di dời tịnh tiến sang khu vực cạnh đó bằng kỹ thuật hiện đại để trả lại không gian cho quảng trường Đoan Môn. Ngoài ra, một số công trình từng bị phá hủy trong lịch sử như điện Kính Thiên, lầu Ngũ Môn, cổng Đông Hậu Lâu... Sẽ được nghiên cứu phục dựng lại sau năm 2020. Đoan Môn Nhưng vẫn phải… chờ Dự kiến, sau khi được phê duyệt chính thức, bản quy hoạch tỷ lệ 1/500 này sẽ được triển khai, hoàn thành những hạng mục cơ bản nhất trước năm 2020. Tuy nhiên, thực tế do sự phức tạp đặc thù của hệ thống di tích này nên vướng rất nhiều vấn đề. Điển hình, tại khu vực phía 18 Hoàng Diệu, theo quy hoạch, tường chắn sẽ không được xây dựng để ngăn cách giữa nhà Quốc hội và Hoàng thành. Phần ngoài cùng của nhà Quốc hội sẽ được bao bằng đường đi hình thước thợ, kèm theo hệ thống “vành đai mềm” bằng cây xanh để kết nối với Hoàng thành về không gian. Tuy nhiên, do Nhà Quốc hội được thiết kế bởi một đơn vị khác, hai bản thiết kế... Vướng lên nhau ở con đường thước thợ này. Cụ thể, tính theo diện tích xây dựng, phần chiều rộng của đường bao (hơn 4m) sẽ “lấn” sang không gian của Hoàng thành gần một nửa (2m). Theo nguyên tắc, đây là đường bao thiết kế để có thể sử dụng được xe cứu hỏa nên việc giảm diện tích mặt cắt xuống hơn 2m là không phù hợp. Ngược lại, trong phần không gian dự kiến bị “lấn” sang của Hoàng thành lại có một hố khảo cổ khá quan trọng. Do vậy, phía lập đề án đề nghị UBND TP. Hà Nội báo cáo với các phía liên quan để tìm hướng khắc phục. Cũng cần nói thêm, trước khi hoàn thiện đề án, phía VN đã phải mất công khá nhiều để được UNESCO cho phép di dời tòa nhà trụ sở Cục Tác chiến, trả lại không gian cho quảng trường Đoan Môn. Ngoài ra, để kết nối giữa hai khu vực 18 Hoàng Diệu và khu thành cổ, việc đào một đường ngầm cắt ngang dưới lòng đường Hoàng Diệu cũng khiến người trong cuộc ít nhiều băn khoăn. Các thống kê khảo cổ cho thấy: hệ thống vết tích Hoàng thành cũ đang nằm dưới mặt đất ở độ sâu 5m trở lên. Có nghĩa, muốn không ảnh hưởng tới di sản thế giới này thì đường hầm cắt ngang phố Hoàng Diệu phải có độ sâu từ 6 - 8m. Tuy nhiên, chắc chắn hai lối lên, xuống ở hai đầu hầm vẫn bắt buộc phải “khoan” từ trên xuống lòng đất. Trong đó, lối lên xuống tại Hoàng thành nằm trong diện tích của khu di sản được UNESCO công nhận. Việc tiến hành trùng tu và bảo tồn khu di tích HTTL gặp nhiều khó khăn khách quan, vì thế không biết đến khi nào nơi này mới thật sự trở thành “công viên di sản”. Thanh Nguyễn |
Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013
Hoàng thành Thăng Long: Bao giờ thành “công viên di sản”?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét