Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Chính trường Ai Cập lún sâu trong khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập trở nên nghiêm trọng hơn, ngày 28-7, những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi tỏ thái độ thách thức khi Hội đồng Quốc phòng cảnh báo rằng sẽ có hành động "mạnh mẽ và kiên quyết" nếu những người biểu tình đi quá giới hạn.

Bà Catherine Ashton - phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - đã tới Cairo tối 28-7 để thảo luận với các quan chức chính trị của Ai Cập, trong đó có Tổng thống lâm thời Adly Mansour và Phó Tổng thống Mohamed ElBaradei - người mà trong một tuyên bố cho rằng Ai Cập "mong muốn có một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay". Hãng thông tấn Nhà nước MENA cho biết bà Ashton cũng sẽ hội đàm với các thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Morsi và nhóm Tamarod - lực lượng đã tổ chức biểu tình trước khi ông Morsi bị lật đổ.

Tuy nhiên, căng thẳng tiếp tục gia tăng sau khi 72 người tham gia tuần hành ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsi ở Cairo sáng 27-7 bị thiệt mạng - đây là vụ đụng độ đẫm máu nhất kể từ khi ông Morsi bị lật đổ. Trong những bình luận đầu tiên về vụ việc này, Tổng thống Ai Cập nói rằng thật "đáng buồn" khi xảy ra vụ việc đẫm máu như vậy, song ông cũng nói thêm rằng vụ việc này diễn ra trong "bối cảnh của chủ nghĩa khủng bố". Các vụ bạo lực lẻ tẻ vẫn tiếp tục xảy ra trên khắp đất nước. Các nguồn tin an ninh cho biết 3 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối ông Morsi ở Port Said và phía Bắc Kafr El-Zayat.


Bạo lực đang lan rộng khắp Ai Cập.


Moustafa Hegazy - cố vấn của ông Mansour - nói với các PV: "Chúng tôi rất đau lòng khi xảy ra vụ việc đẫm máu ngày 27-7". Tuy nhiên, ông cho rằng nơi xảy ra vụ việc này "có những dấu hiệu liên quan tới khủng bố" và "chúng tôi không thể tách rời vụ việc này với bối cảnh của chủ nghĩa khủng bố". Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim cảnh báo rằng lực lượng của ông sẽ "không cho phép bất kỳ kẻ hám lợi hoặc cá nhân giận dữ nào gây tổn hại tới bầu không khí đoàn kết. Chúng tôi sẽ đối đầu với họ bằng lực lượng và quyết tâm cao nhất".

Những người trung thành với ông Morsi vẫn cắm trại tại nơi xảy ra vụ bạo lực - tỏ ra thách thức những tuyên bố này. Phát ngôn viên của tổ chức Anh em Hồi giáo Gehad el-Haddad cho biết: "Hiện không chỉ có những cảm nhận về nỗi bi thảm và sự giận dữ, mà cảm nhận rõ nét nhất là sự quyết tâm. Với chúng tôi, nếu chết chúng tôi sẽ gặp đấng tiên tri của mình và chúng tôi làm như vậy chỉ vì một điều duy nhất... Hoặc là chết hoặc là thành công".

Sự chia rẽ ở Ai Cập thể hiện rõ trong những nhận định khác biệt liên quan tới vụ việc xảy ra hôm 27-7, những người ủng hộ ông Morsi cho rằng họ là mục tiêu của hỏa lực trực tiếp, còn Bộ Nội vụ cho rằng họ chỉ sử dụng hơi cay mà thôi. Trong khi đó, Hội đồng Quốc phòng tối 28-7 đã cảnh báo những người phản đối rằng "không được vượt quá quyền tự do ngôn luận một cách hợp lý và có trách nhiệm", đồng thời cho rằng họ sẽ phải đối mặt với "những quyết định mạnh mẽ và kiên quyết cùng các hành động đáp trả bạo lực". Hội đồng này cũng kêu gọi những người trung thành với ông Morsi "ngay lập tức tuyên bố từ bỏ bạo lực vô điều kiện dưới bất kỳ hình thức nào và nhanh chóng chấm dứt bạo lực, khủng bố...". Vụ bạo lực đẫm máu tại Ai Cập ngày 27-7 đã làm dấy lên những lo ngại của cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi chính quyền "tôn trọng quyền được tụ tập hòa bình và tự do ngôn luận" của người dân.

Jean-Yves Moisseron - chuyên gia về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu và phát triển của Pháp - nhận định Ai Cập "bị chia thành 2 lực lượng chính trị, tổ chức Anh em Hồi giáo và quân đội. Những người theo trường phái tự do đã không nắm bắt được cơ hội lịch sử mà họ có được trong năm 2011 để định hình cơ cấu của chính mình một cách độc lập, và kết quả là những điều kiện lịch sử cho sự chuyển giao dân chủ ở Ai Cập còn lâu mới trở thành hiện thực".


Minh Tâm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét