Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Hết thời nhân sự ngân hàng “tay ngang”?

Chính sách nhân sự của các ngân hàng thương mại luôn thay đổi

CôngThương- Cách đây khoảng 6 năm, sự nhàm chán, bí bách của công việc cộng với mức lương khiêm tốn khiến S- một thạc sĩ công nghệ thông tin nhanh chóng gật đầu trước một ông chủ ngân hàng với mức lương “nét” 4.000 đô và vị trí phó tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin, sau hơn 10 năm “đút chân gầm bàn” tại một viện nghiên cứu. Thời gian gần đây, khi ngân hàng gặp khó, lĩnh vực S phụ trách không trực tiếp tạo ra lợi nhuận, anh quyết định ra đi vì bắt đầu cảm nhận được sự quan tâm “đặc biệt” của cấp trên. Với một “si vi” ổn, cộng thêm kinh nghiệm thực tế tại ngân hàng mà không phải ai cũng có được, hiện S là giảng viên một trường đại học.“Cũng có chút luyến tiếc nhưng đã đến lúc cần dừng lại, trở về với chính mình”- S giãi bày.

Trên đây chỉ là một trong số ít cán bộ ngân hàng “tay ngang” rời ngân hàng trong tư thế ngẩng cao đầu. Rất nhiều người muốn như anh song lại không thể ra đi “thanh thản” thế được. D- giám đốc khối của một NHTM là trường hợp như vậy. Được đào tạo chuyên môn ngoại ngữ nhưng lại “bén duyên” với ngân hàng ngay sau khi rời ghế đại học. Gần 20 năm kinh nghiệm, không ít lần được vinh danh, tung hô trên các diễn đàn, hội nghị, trong và ngoài nước, song hiện tại, D không thể “đi” được do “dính” nợ xấu cần giải quyết vì một lần bất cẩn. Việc “bê” nguyên mô hình sản phẩm tài chính cá nhân từ nước ngoài vì nhiều tiện ích, ưu việt mà không lường được tính tự giác, ý thức của người dân khác nhau giữa các quốc gia khiến sản phẩm bị đổ bể, để lại cục nợ xấu khó đòi hàng trăm tỷ đồng...

Chính sách nhân sự tại các NHTM luôn thay đổi. Ngoài chuyên môn được tuyển theo vị trí công tác, các nhân sự còn phải có khả năng thích ứng với các tình huống đột xuất vì ngân hàng là ngành nhạy cảm nhất với “hơi thở” của thị trường.

Còn nhớ những năm 2006, 2007, các NHTM đua nhau mở rộng mạng lưới, chiếm lĩnh thị trường do lo ngại sự hiện diện ngày càng nhiều của các ngân hàng nước ngoài theo cam kết mở cửa khi gia nhập WTO, vì vậy nhu cầu cán bộ quản lý cấp cao, cấp trung tăng lên đột biến. Cung ít, cầu nhiều khiến tiêu chuẩn nhân sự cũng được hạ thấp. Song song với việc lôi kéo nhân sự của các đối thủ, các ông chủ ngân hàng rất ưa thích các nhân sự “tay ngang” vì cho rằng, ngoài việc tận dụng các kỹ năng chuyên môn, các nhân sự này còn gợi mở những thị trường tiềm năng mà không phải tốn kém thêm chi phí.

Chủ tịch HĐQT một NHTM thừa nhận, chính sách nhân sự tại các NHTM thay đổi tùy từng thời kỳ. Ngoài chuyên môn được tuyển theo vị trí công tác, các nhân sự còn phải có khả năng thích ứng với các tình huống đột xuất vì ngân hàng là ngành nhạy cảm nhất với “hơi thở” của thị trường. Mặc dù vẫn còn không ít những quản lý cấp cao, cấp trung, thậm chí là CEO giỏi mà không được đào tạo bài bản về ngân hàng nhưng“đã qua rồi thời gian hài lòng với mạng lưới và doanh số. Nếu được 3 điều ước thì đó chính là: Lợi nhuận, lợi nhuận và lợi nhuận”- vị chủ tịch HĐQT nói trên“chốt hạ”!

Nam Hải

Chính sách nhân sự của các ngân hàng thương mại luôn thay đổi

PHẢN HỒI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét